Gương điển hình về phụ nữ Thôn Thanh Sơn , xã An Tân lao động sản xuất giỏi
Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Huệ – Chủ tịch Hội LHPN xã An Tân, chúng tôi đến thăm Mô hình làm Tiêu của gia đình chị Huỳnh Thị Liễu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thanh Sơn.
Tham quan vườn Tiêu 5 năm tuổi, chị Liễu tâm sự khu vườn này trước đây gia đình chị trồng củ mì, củ từ nhưng thu nhập chỉ đủ trang trãi cho cuộc sống chứ hiệu quả kinh tế không cao. Đến khoảng năm 2019, sau khi bàn bạc với chồng tôi trồng cây tiêu đen và nhận thấy nó phù hợp với thổ nhưỡng địa phương mà giá trị kinh tế lại cao nên mạnh dạn trồng thử.
Ban đầu, chị đầu tư 50 triệu đồng để cải tạo một phần đất vườn khô cằn của gia đình, mua máy bơm nước, đúc trụ xi măng để trồng 100 cây tiêu giống. Để vườn tiêu phát triển tốt, chị tích cực học hỏi, tìm tòi kiến thức và quy trình chăm sóc tiêu qua sách báo, mạng internet, áp dụng kỹ thuật trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng tiêu ở Tây Nguyên.
Với sự quyết tâm và dày công chăm sóc, vườn tiêu ban đầu của chị phát triển xanh tốt và được nhân rộng diện tích qua từng năm. Đến nay, chị đã trồng 300 trụ tiêu trên diện tích 3.000m2.

Hình ảnh: Mô hình Tiêu của chị Liễu
Chị Liễu cho biết, khi trồng tiêu phải đặc biệt chú ý cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và lượng nước vừa đủ, không được dư thừa. Bởi cây tiêu rất nhạy cảm, nếu trời nắng hạn khoảng 2 tháng thì cây vẫn phát triển bình thường, nhưng nếu trời mưa liên tiếp 3 ngày thì khả năng cây tiêu bị úng rễ và chết rất cao.
Theo chị Liễu, bệnh nguy hiểm nhất trên cây tiêu là bệnh tuyến trùng. Vào mùa mưa bão, bộ rễ cây tiêu yếu và lung lay, dễ bị tuyến trùng tấn công gây ra các vết thương, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh khiến cây chết chậm và sau đó lây lan nhanh ra cả vườn.Dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất thường, nhưng chị Liễu vẫn kiên trì vượt qua, chú trọng khâu phòng bệnh hơn chữa bệnh nhằm giúp vườn tiêu luôn khoẻ mạnh, cho năng suất cao.Cây tiêu trồng sau 3 năm là bắt đầu cho hạt, đến năm thứ 5 thì cho năng suất đều đặn hằng năm. Nếu như người trồng tiêu ở nhiều nơi thường lo ngại tiêu mất giá, thì tiêu của gia đình chị luôn có mức giá ổn định.

Hình ảnh: Năng suất Tiêu đạt được
Bởi chị luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông sản sạch, dùng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ để chăm bón cho cây tiêu. Từ đó, đảm bảo sức khỏe cho người trồng và vườn cây, ít bệnh mà tiêu lại được giá cao. Ngoài ra, chị còn dùng phân trâu, bò, bánh dầu để ủ. Việc sử dụng phân hữu cơ không chỉ có giá thành rẻ, giảm chi phí sản xuất, mà còn giúp tái tạo dinh dưỡng trong đất, thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật có khả năng chống lại bệnh hại. Chị cũng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là dùng các chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn sản xuất".
Vào tháng 6, khi hạt tiêu đã chín khoảng 95% thì chị thuê 5-7 người thu hoạch từ từ trong 1 tháng. Sau khi tiêu được hái về, chị dùng máy tuốt hạt để loại bỏ các tạp chất như lá, cành rồi ủ qua một đêm để hạt tiêu chín đều hơn. Tiếp tục phơi khoảng 3 nắng là hạt tiêu khô hoàn toàn rồi bán cho thương lái. Hàng năm chị thu về khoảng 600kg tiêu khô.

Hình ảnh: nhân công hái Tiêu
Với chất lượng hạt tiêu sạch, thơm ngon, cay nồng, sản phẩm của gia đình chị luôn được khách hàng tin dùng, có giá bán dao động từ 150.000-170.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, chị thu lãi 60 triệu đồng/năm.

Hình ảnh: Chị Liễu thu hoạch Tiêu
Từ sự chăm chỉ, cần cù và mạnh dạn đổi mới trong sản xuất, chị đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, trở thành tấm gương phụ nữ điển hình sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều chị em học ở địa phương hỏi kinh nghiệm./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Lưỡng
Ngày đăng: 07/06/2024 - 16:04